Tại sao quảng cáo Facebook không hiệu quả ?
Đây chắc hẳn là câu hỏi của rất nhiều bạn chạy quảng cáo trên Facebook được một thời gian hoặc các chủ shop mới tập tành chạy quảng cáo Facebook để bán hàng Online.
Không ai phủ nhận rằng Facebook là 1 mảnh đất màu mỡ và là nơi chúng ta ưu tiên hàng đầu khi kinh doanh trên môi trường Internet. Nhưng vì đây là “miếng bánh tốt” nên cũng sẽ có rất nhiều người nhảy vào để chia miếng bánh này vì thế để quảng cáo Facebook hiệu quả nói dễ thì không dễ mà nói khó thì cũng không hẳn.
Quảng cáo Facebook không hiệu quả là vì các bạn chưa tìm hiểu sâu về Facebook, chưa hiểu được các thuật toán của Facebook cũng như 1 số kỹ thuật nhất định để quảng cáo Facebook. Nhưng không sao, trong phạm vi bài viết này mình sẽ chia sẻ 13 lý do tại sao bạn quảng cáo Facebook không hiệu quả mà chỉ cần dựa trên đó là bạn có thể tối ưu được phần nào rồi.
Nhưng về lâu dài mình vẫn khuyên các bạn nếu muốn quảng cáo Facebook đạt được hiệu quả cao thì hãy tập trung nghiên cứu và theo dõi nhưng thay đổi của Facebook để biết cách tối ưu theo từng giai đoạn cũng như những lúc Facebook “khó ở”.
Facebook thì không lúc nào ổn định cả và bạn đang chơi trên sân chơi của Facebook thì phải chấp nhận những đợt “bão bùng”. Nhưng khi bạn đã hiểu mọi nguyên tắc thì việc thay đổi theo nó cũng không quá khó khăn.
Vào chủ đề chính sau đây mình xin chia sẻ 13 lí do vì sao quảng cáo Facebook không hiệu quả nhé:
Nội dung chính
- 1 Nhắm sai đối tượng
- 2 Chưa hiểu rõ sản phẩm khiến quảng cáo Facebook không hiệu quả
- 3 Nội dung không thu hút
- 4 Không kêu gọi hành động (CTA)
- 5 Không A/B Testing quảng cáo Facebook
- 6 Bị trùng lặp đối tượng (Overlap)
- 7 Chưa chạy nhiều loại mục tiêu quảng cáo
- 8 Sai múi giờ
- 9 Tắt mở chiến dịch liên tục
- 10 Bị yếu tim
- 11 Không biết đọc chỉ số
- 12 Không biết Remarketing
- 13 Tăng ngân sách đột ngột
- 14 LỜI KẾT
Nhắm sai đối tượng
Hay thuật ngữ quen thuộc đó là Target. Nhiều bạn sai ngay từ giai đoạn này, mình biết có đa phần các bạn đều nghĩ là sản phẩm của bạn bán được cho hầu hết tất cả mọi người nên chỉ cần Target giới tính, độ tuổi, địa điểm thôi là được. Nhưng điều đó là hoàn toàn sai lầm vì mỗi sản phẩm đều có những đặc tính riêng dành cho các đối tượng hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ: bạn bán sản phẩm trị mụn và chỉ nghĩ đơn giản nam hay nữ gì sử dụng sản phẩm cũng được nhưng chúng ta phải tìm ra 1 đối tượng mà nơi đó lượng khách mua nhiều nhưng tiền quảng cáo thì lại ít. Và trong đó ví dụ là nữ mua nhiều nhưng mà đối tượng là học sinh hay là người đi làm mua nhiều hơn.
Vì thế ngoài những Target cơ bản thì bạn phải đào sâu cũng như hiểu khách hàng hơn nữa để nhắm thêm nhân khẩu học, hành vi, sở thích.
Chưa hiểu rõ sản phẩm khiến quảng cáo Facebook không hiệu quả
Đây là điểm yếu chết người của hầu hết những người mới kinh doanh. Các bạn đôi khi chỉ cần thấy 1 người nào đó bán sản phẩm nào đó chạy quá thì nghĩ sản phẩm đó dễ bán và ngay lập tức nhập mặt hàng tương tự đó về bán nhưng chưa thật sự hiểu rõ là mình đang bán cái gì và nó có ích lợi gì cho đối tượng khách hàng tiềm năng.
Bạn thử nghĩ xem bạn có dám mua mỹ phẩm của 1 người bán mà không biết cách tư vấn chuyên sâu cũng như cách chăm sóc da khi sử dụng loại mỹ phẩm đó hay không ? Bạn dám đánh cược “nhan sắc” với những người bán hàng như thế không ?
Hãy thử nghĩ xem chúng ta mua hàng vì lý do gì, có phải đa phần vì cảm xúc tích cực mà người bán hàng truyền tải từ sản phẩm của họ đến với chúng ta hay là không ?
Vì thế để quảng cáo Facebook hiệu quả thì trước mắt bạn hãy am hiểu thật sâu về sản phẩm để cố gắng truyền tải cảm xúc mạnh nhất đến với khách hàng.
Nội dung không thu hút
Tiếp theo là phần nội dung. Ai cũng biết Content is King nhưng mấy ai tạo được Content thật sự hiệu quả để bán hàng. Có những bài quảng cáo nhìn vô chỉ muốn “tẩu hỏa nhập ma” sa mạc lời. Chữ nghĩa thì viết hoa viết thường lung tung, Hashtag thì muốn gắn đâu thì gắn, icon thì lộn xộn xà ngầu nhìn là không muốn đọc rồi nói chi đến mua hàng.
Nội dung thì bao gồm: chữ, hình ảnh, video thì trong đó hình ảnh và video là những cái bạn cần tập trung để làm trước vì khi khách hàng lướt trên Facebook điều thu hút họ đầu tiên là hình ảnh và video chứ không phải là câu chữ.
Lấy ví dụ đơn giản, bạn đang bán khóa chống trộm dành cho xe máy thì nội dung đầu video sẽ là 1 hoàn cảnh bị trộm xe. Vì tâm lý con người luôn quan tâm đến những Scadal, tai nạn,… nên họ sẽ vào xem thì đoạn sau của Video sẽ là giải pháp khi mà khách hàng mua khóa chống trộm sẽ giúp họ không bị mất xe như người ở đầu video.
Sau hình ảnh, Video thì mới đến nội dung là chữ. Cách viết nội dung đơn giản nhất bạn cứ dựa theo công thức mình cũng hay dùng: NỖI LO CỦA HỌ – KHÓ KHĂN NGÀY CÀNG TĂNG THÊM – ĐƯA RA GIẢI PHÁP – NHỮNG CAM KẾT. Tuy còn nhiều cách viết nội dung khác mà bạn có thể nghiên cứu nhưng đối với người mới thì chỉ cần áp dụng công thức trên là đủ dùng rồi.
Đặc biệt lưu ý: ở phần nội dung thì hãy quan tâm TIÊU ĐỀ. Vì đây là dòng khách hàng đọc được trước chữ xem thêm, nên hãy tập trung để nghĩ ra dòng tiêu đề đánh trúng tâm lý của khách hàng khiến họ phải bấm vào chữ xem thêm để đọc hết bài viết.
Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng bạn phân bổ chữ hoa, chữ thường, icon, hashtag 1 cách hợp lý để khách hàng không bị rối mắt và đọc nội dung 1 cách dễ chịu hơn. Chính tả cũng phải chính xác tuyệt đối để thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn.
Không kêu gọi hành động (CTA)
Mục này cũng nằm trong phần nội dung nhưng mình muốn tách riêng ra vì mức độ quan trọng của nó. Việc kêu gọi hành động trong nội dung là vô cùng cần thiết và bắt buộc phải có trong bài viết.
Bạn có 1 bài viết hoàn hảo, chạm tới được cảm xúc của khách hàng nhưng rồi không có kêu gọi hành động (CTA) thì họ lại không biết phải làm gì tiếp theo vì thế hãy cho khách hàng biết rằng: ” Bạn có 1 sản phẩm giải quyết được khó khăn của họ ngay lập tức vậy thì hãy nhanh tay gọi ngay hoặc để lại SĐT để được đặt hàng ngay. ”
CTA rất quan trọng vì thế đừng bao giờ quên bạn nhé.
Không A/B Testing quảng cáo Facebook
Lỗi này xảy ra nhiều nhất vì 2 lý do : hoặc là bạn không biết A/B Testing hoặc là bạn LƯỜI làm A/B Testing.
Nhưng đa phần mình nghĩ chắc do quá chủ quan sinh ra lười mà thôi chứ A/B Testing là thuật ngữ đã có từ rất lâu rồi.
Căn bản khi tạo ra được 1 nội dung khiến bản thân bạn cảm thấy hài lòng rồi thì bạn sẽ không tạo thêm bất kỳ nội dung nào nữa. Nhưng đó là do bạn nghĩ thôi chứ khách hàng không có hứng thú với nội dung đó thì bạn đâu có biết được.
Vậy thì hãy làm ngay A/B Testing. Những chiến dịch cơ bản để chia ra A/B Test bao gồm: Tuổi, giới tính, nội dung, hành vi và sở thích,…
Hãy chia ra nhiều nhóm đối tượng khác nhau để tìm ra “nhóm ngon” và song song đó biết được bạn bị Fail ở điểm nào mà sửa ngay.
Bị trùng lặp đối tượng (Overlap)
Đây là yếu tố tiếp theo nối liền với phần A/B Testing và cũng là phần khiến đa phần các chiến dịch trở nên đắt đỏ hơn rồi khiến nó không hiệu quả.
Trùng lặp đối tượng (Overlap) là bạn lên 2 hoặc nhiều chiến dịch, nhóm quảng cáo mà trong đó các đối tượng bị trùng với nhau khiến các chiến dịch, nhóm quảng cáo của bạn tự cạnh tranh với nhau. Điều này khiến giá thầu tăng cao hơn so với mức bình thường.
Vì thế hãy đảm bảo rằng khi A/B Testing các đối tượng không bị trùng với nhau để tránh ngay trường hợp này. Ví dụ đơn giản cùng 1 sở thích nhưng bạn chia ra 2-3 mốc độ tuổi ( 18-24, 25-35, 36-50 ) thì 3 đối tượng này sẽ KHÔNG TRÙNG LẶP với nhau.
Còn nếu cùng 1 độ tuổi 18-24 mà bạn tách ra 2 sở thích là: bất động sản và đầu tư thì khả năng cao 2 nhóm này TRÙNG NHAU là rất lớn.
Mẹo: bạn có thể kiểm tra độ trùng lặp ngay trong trình quản lý quảng cáo:
- Mở trình quản lý quảng cáo và vào mục ĐỐI TƯỢNG
- Tích chọn vào 2 đối tượng bạn cần kiểm tra độ trùng lặp
- Ấn vào dấu 3 chấm và chọn hiển thị đối tượng chồng chéo

Chưa chạy nhiều loại mục tiêu quảng cáo

Tiếp theo là bạn cứ khăng khăng chạy 1 loại mục tiêu duy nhất nào đó mà chưa từng thử những loại mục tiêu khác. Cơ bản Facebook ra nhiều loại mục tiêu đều có ý nghĩa cả chứ không phải “tạo ra cho vui” đâu nè. Vì vậy hãy chia ngân sách ra để Test hết các loại mục tiêu: Tin nhắn, tương tác, xem video, lưu lượng truy cập, chuyển đổi,…. tùy vào mục đích của bạn là bán hàng hay là thương hiệu mà chọn vài loại mục tiêu đặc thù phù hợp.
Sau đó khoảng vài ngày là các bạn sẽ biết được loại mục tiêu nào ra đơn nhiều nhất thì sẽ giữ lại còn những chiến dịch khác có thể tắt đi để dành ngân sách cho chiến dịch hiệu quả nhất.
Sai múi giờ
Tưởng chừng như lỗi này là nhỏ nhưng thực tế đây cũng là lỗi rất nặng khiến quảng cáo Facebook của bạn không hiệu quả. Mỗi tài khoản quảng cáo đều có 1 múi giờ phù hợp để chạy ở 1 quốc gia nào đó.
Ví dụ múi giờ của chúng ta là +7 thì cứ 12 giờ đêm là Facebook bắt đầu tính tiền và phân bổ lại đến các đối tượng. Việc bạn chọn sai múi giờ sẽ ảnh hưởng đến thời gian Reset tiền và phân bổ lại của Facebook. Bạn hiểu nôm na ví dụ bạn Reset tiền lúc 8 giờ tối và bạn bắt đầu tiếp cận khách hàng tại Việt Nam lúc 12h đêm 1h sáng thì giờ đó là giờ đi ngủ rồi ai đâu mà quan tâm đúng không nè.
Tùy vào thị trường bạn chạy ở nước nào mà chọn đúng múi giờ của nước đó mà chạy hoặc bạn có 1 tư duy nào đó liên quan đến múi giờ để hướng sự phân bổ của Facebook đến khách hàng tiềm năng của bạn.
AI Facebook giờ rất thông mình chọn đúng múi giờ và khoảng thời gian ra đơn nhiều nhất thì Facebook sẽ Reach mạnh ngay tại thời điểm đó khi Facebook đã học được các số liệu từ chiến dịch của bạn.
Tắt mở chiến dịch liên tục
Việc tắt mở liên tục đôi khi do tính chất công việc của các bạn. Ví dụ chiến dịch ra nhiều đơn hàng quá mà lượng hàng hiện tại không đủ để bán thế là bạn tắt đi, bán xong đợt hàng đó rồi nhập hàng mới về rồi tiếp tục mở chiến dịch lên lại.
Nhưng khi mở lên lại thì hiệu quả chỉ bằng 3-5 phần của lần trước mà lỗi này trên các Group ở Facebook thấy các bạn đăng lên hỏi rất nhiều.
Vấn để nằm ở chỗ, khi bạn lên chiến dịch được vài ngày và có thông số cụ thể để Facebook tiếp cận đối tượng dần chuẩn hơn thì 1 thời điểm nhất định Facebook sẽ tìm được “mạch vàng” cho bạn, mà khi “mạch vàng” đang thông thì bạn lại tắt chiến dịch đó đi. Tuy số liệu đã có sẵn rồi nhưng khi bạn tắt chiến dịch rồi mở lại thì bắt buộc nó phải về điểm xuất phát để tìm lại và do đã có số liệu thì Facebook vẫn tìm ra được khách hàng ngay lập tức nhưng giá sẽ cao hơn trước khi tắt.
Bởi số liệu cập nhật Real Time (thời gian thực) nên 1 nhóm đối tượng hôm nay có sở thích, hành vi đó của hôm nay nhưng ngày mai đã là khác rồi. Ví dụ bạn xài Iphone mà nó bị hỏng bạn đổi qua Android xài thì hành vì đã thay đổi rồi.
Nên trường hợp này bạn tuyệt đối không được tắt chiến dịch khi nó đang ngon. Tắt chỉ trừ khi bạn không bán mặt hàng này nữa mà chuyển qua mặt hàng khác thì được.
Bị yếu tim
Nói vui thế thôi vì trước kia bản thân mình cũng bị mắc phải lỗi này. Khi lên chiến dịch được 1-2 ngày mà không thấy hiệu quả thì vội vàng tắt ngay. Như mình cũng đã đề cập, Facebook cần 1 khoảng thời gian nhất định để học để tìm ra “mạch vàng” cho bạn ít nhất cũng phải 5 ngày. Sau 5 ngày bạn xem các chỉ số có phải là do đối tượng không chuẩn xác hay do bản thân nội dung của bạn chưa được hay như mình đã đề cập ở các phần trên. Phần chỉ số bạn xem ở đề mục tiếp theo nhé.
Tóm lại, phần này muốn nhắn nhủ bạn rằng đừng tắt chiến dịch quá vội. Mạnh mẽ lên 😀
Không biết đọc chỉ số
Lỗi này nhiều người bị dính lắm à nhen. Thật tế bạn không cần phải đọc quá nhiều chỉ số đâu, chỉ cần quan tâm đến 1 vài chỉ số quan trọng là biết lỗi nằm chỗ nào mà sửa thôi. Đây là ý kiến chủ quan của bản thân mà mình đang áp dụng để đơn giản hóa, còn các Pro bổ sung thêm thì đừng ngần ngại Bình Luận để chúng ta cùng học hỏi nhau nhé.
1 vài chỉ số quan trọng mà mình thường hay xem:
- Giá CPM (chi phí cho 1000 lượt hiển thị)
- Chi phí tiếp cận 1000 người ( cái này khác với CPM nha )
- Tần suất
- CPC ( giá mỗi lượt tương tác )
- CTR ( tỷ lệ tương tác với bài viết )
- Lượt xem video 50% trở lên (nếu nội dung là video)
Ở các chỉ số trên sẽ chỉ ra 1 số điều như sau:
- Nếu như CPM của bạn rẻ đồng nghĩa với việc bạn đang tiếp cận đúng đối tượng nhưng CPC của bạn lại cao thì chứng tỏ nội dung của bạn không thu hút khách hàng ( nên Test thêm nội dung )
- Ngược lại nếu như CPM cao mà CPC thấp thì là do Target chưa được ổn ( test thêm đối tượng khác )
- Song song đó xem chỉ số CTR để biết được tỷ lệ tương tác nghĩa là bạn tiếp cận 100 người mà trong đó 20 người tương tác thì CTR là 20%. Nếu CTR cao mà không ai đặt hàng thì là do bạn đang thiếu kêu gọi hành động (CTA)
- Tần suất là chỉ số cho biết số lần hiển thị lặp lại trên cùng 1 đối tượng nào đó ( Hãy đảm bảo tần suất thấp nếu bạn đang bán hàng còn ngược lại bạn muốn nâng cao thương hiệu thì tần suất càng cao càng tốt )
- Lượt xem video trên 50% chiếm tỷ lệ bao nhiêu so với tổng lượt xem nếu nội dung của bạn là Video thì chỉ số này cho bạn biết nội dung bạn sản xuất có cuốn hút khách hàng xem đến cuối và quyết định mua hàng hay không
1 vài chỉ số cơ bản để bạn tìm ra lỗi của mình và điều chỉnh lại để đạt hiệu quả cao nhất.
Không biết Remarketing
Cuộc sống bây giờ vội vã lắm vì thế hãy trang bị kiến thức Remarketing ngay lập tức đi bạn nhé.
Vì trong thời buổi này “lúc nhớ lúc quên”, ” lúc hứng lúc không” nên là sẽ rất ít người ra quyết định mua hàng ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy sản phẩm. Mặc dù có thể là thích đấy nhưng lưu lại rồi đi tham khảo đủ thứ nơi bán rồi bỗng vô tình làm việc gì đó thì lại quên mất ( riêng vấn đề này bạn nên tìm hiểu thêm về HÀNH TRÌNH KHÁCH HÀNG hoặc tư duy thêm để hiểu đường đi nước bước của khách hàng rõ nhất có thể ).
Cho nên, Remarketing ở thời điểm hiện tại là việc vô cùng cần thiết và quan trọng. Nhưng Remarketing tốt vẫn là 1 kỹ năng bạn cần phải tìm hiểu thêm. Phạm vi bài viết này mình chia sẻ 1 mẹo nhỏ để các bạn tham khảo.
Ví dụ: mình bán giày thể thao và tiếp cận đến 1 đối tượng nào đó. Sau đó 5 ngày mình tạo 1 đối tượng là nhóm khách hàng xem video hoặc tương tác với bài viết đó và chạy Remarketing với 1 nội dung khuyến mãi 50% hoặc chỉ còn lại 3 đôi cuối cùng,… Thì tỷ lệ chuyển đổi sẽ cao hơn so với chạy lại bài cũ.
Hãy Remarketing ngay bạn nhé !
Tăng ngân sách đột ngột
Vào 1 ngày chiến dịch đang ngon thì bạn quyết định tăng cao ngân sách để nhằm kiếm được nhiều khách hàng hơn nhưng đôi khi bạn chưa tìm hiểu kỹ về vấn đề tăng ngân sách nên đã tăng đột ngột ví dụ từ 500k lên hẳn 1 củ thì điều này làm cho Facebook thầm hiểu rằng :” á à thằng này nhà giàu, vậy thì cứ đấu thầu cao lên cho nó”. Việc này khiến quảng cáo đang rẻ trở nên đắt hơn là vì thế.
Thay vì tăng ngân sách thì bạn hãy chọn nhóm quảng cáo hiệu quả mà nhân nhóm đó lên là hiệu quả và an toàn nhất. Còn nếu muốn tăng ngân sách thì ở trong phạm vi 20% mỗi lần tăng và cách 2 ngày tăng 1 lần thì được.
LỜI KẾT
Trên đây là 13 lý do tại sao quảng cáo Facebook không hiệu quả. Bạn hãy chiêm nghiệm và nhìn lại xem bạn đang gặp lỗi nào hãy nhanh chóng chỉnh sửa để quảng cáo Facebook hiệu quả hơn cũng như tăng doanh thu trong công việc kinh doanh của bạn nhé.
Bên dưới có phần thảo luận, nếu bạn có thắc mắc hay góp ý gì hãy Bình Luận bên dưới chúng ta cùng trao đổi với nhau nhé.
Chúc bạn thành công !
[…] Có thể bạn quan tâm13 lý do tại sao quảng cáo Facebook không hiệu quả […]
[…] NGAY Có thể bạn quan tâm13 lý do tại sao quảng cáo Facebook không hiệu quả This entry was posted in Tài Liệu Miễn Phí and tagged mẹo chạy quảng cáo facebook, […]